Làm sao để Setup bể cá thủy sinh để bàn đẹp đơn giản và duy trì chăm sóc được nó? Thú chơi bể cá thủy sinh trong những năm gần đây đang dần phổ biến trong cộng đồng và chắc hẳn ai cũng mong muốn sở hữu một bể cá mini để bàn đẹp cho riêng mình. Hôm nay chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm dành cho người mới chơi qua bài viết này, giúp bạn có thêm những kiến thức cơ bản để có thể áp dụng chăm sóc cho chiếc bể thủy sinh nhà mình nhé.
Giới thiệu về bể cá mini để bàn
Bể cá mini để bàn là một loại hồ cá nhỏ có kích thước phù hợp để đặt trên bàn làm việc, bàn học, hoặc bất kỳ không gian nhỏ nào trong nhà. Đây là một giải pháp tuyệt vời cho những người yêu thích cá cảnh nhưng không có đủ không gian hoặc thời gian để chăm sóc một bể cá lớn.
Bể cá mini thủy sinh để bàn thường có dung tích nhỏ, từ khoảng 1-10 lít, và được thiết kế để tạo ra một môi trường tự nhiên giống như các hệ sinh thái nước tự nhiên. Điều này thường đòi hỏi sử dụng các loại cây và cây cỏ nước thủy sinh, các loại đá và cát thủy sinh, hệ thống lọc và ánh sáng phù hợp.
Một số ưu điểm và lợi ích tuyệt vời mà bể cá mini đem lại:
- Tính thẩm mỹ: Bể cá mini để bàn tạo ra một khung cảnh đẹp mắt và góp phần làm tăng tính thẩm mỹ cho không gian làm việc hoặc nghỉ ngơi của bạn. Các cây cỏ nước và cá cảnh sẽ tạo ra một không gian xanh mát và thư giãn giúp tặng hiệu quả công việc và nghỉ ngơi.
- Dễ dàng chăm sóc: Với dung tích nhỏ, bể cá thủy sinh mini dễ dàng quản lý hơn so với các bể cá lớn. Nó yêu cầu ít nước và không gian hơn, và việc làm sạch và bảo dưỡng cũng đơn giản hơn.
- Giảm căng thẳng: Việc ngắm nhìn cá và cảnh quan trong bể cá có thể giúp giảm căng thẳng và tạo ra một không gian yên tĩnh để thư giãn. Nó cũng có thể cải thiện tinh thần và tăng sự tập trung trong công việc hoặc học tập.
- Không gian làm việc: Bể cá mini để bàn có thể cung cấp một môi trường làm việc tốt hơn với khả năng điều chỉnh độ ẩm và làm sạch không khí. Cây cỏ nước trong bể có khả năng hấp thụ khí CO2 và sản xuất oxy, tạo ra một không khí trong lành.
Đồ dùng cần thiết Setup bể cá mini để bàn
Nền lót bể thủy sinh đẹp
Đầu tiên khi bắt tay vào việc set up một bể cá mini để bàn thì bạn cần chuẩn bị phần nền lót. Nền lót là nơi bạn đặt cây cối, đồ trang trí và một số loại nền lót còn cung cấp cho bể cá những chất khoáng hoặc vi sinh đặc thù. Chọn nền lót phụ thuộc vào ý tưởng mà bạn muốn set up.
Nếu bạn muốn bể của mình có nhiều cây xanh hoặc trồng các loại cây cần đất thì nên trải nền bằng phân nền thủy sinh chuyên dụng. Các loại phân nền thủy sinh tốt có thể kể đến như: phân nền Gex xanh, phân nền Aquafor, phân nền Akadama…
Nếu bể của bạn chỉ có đồ trang trí hay lũa đá, lót nền bạn có thể chọn là các loại cát sỏi trải nền thông thường. Có nhiều loại cát trải nền với nhiều màu sắc như: Cát nắng vàng – màu vàng, cá đen – màu đen, cát thạch anh trắng – màu trắng…phù hợp với phong cách trang trí bể của bạn.
Các loại đá sỏi như: sỏi màu lớn, sỏi màu bé, sỏi đen plantinum… khi sử dụng trải nền sẽ hạn chế bụi gây đục hồ hay thuận tiện trong việc vệ sinh hơn hết.
Đồ trang trí
Đồ trang trí bể cá mini để bàn phụ thuộc vào ý tưởng mà bạn muốn triển khai. Người chơi nên chọn được bố cục chính là tâm điểm của bể cá, rồi sau đó sẽ thêm các chi tiết bé hơn.
Chọn một khúc lũa hay đá lớn làm bố cục chính cho cả bể, kích thước lớn bé theo ý tưởng của bạn. Sau đó có thể trang trí thêm bằng cách gắn các loại cây thủy sinh như Bucep, ráy, dương xỉ…để layout thêm phần tự nhiên và đẹp mắt.
Một lưu ý khi setup bể cá với lũa là người chơi nên xử lý qua lũa trước khi đưa vào setup bể thủy sinh. Lũa được phơi nắng và luộc qua sẽ hạn chế được việc bị phai màu khi thả vào nước. Luộc lũa giúp lũa no nước và chìm xuống, không
Cây thủy sinh trong bể cá thủy sinh mini
Cây thủy sinh là một yếu tố rất quan trọng cho một chiếc bể đẹp. Tùy vào ở thích mỗi người mà có thể chọn setup bể bằng cây giả hoặc cây thật. Ưu điểm của cây giả là có tính thẩm mỹ cao, không tốn nhiều công chăm sóc mà vẫn có thể giữ nguyên cảnh quan trong một thời gian dài. Hôm nay chúng ta sẽ nói về cây thủy sinh thật nhé.
Cây trong bể thủy sinh được chia thành loại: cây tiền cảnh, cây trung cảnh, cây hậu cảnh. Cây tiền cảnh sẽ là những cây có kích thước bé, thường được đặt ở phía trước của bể. Cây trung cảnh và hậu cảnh là những cây có kích thước lớn hơn, có thể trồng ở phần sau của bể cá.
Cây thủy sinh giúp tạo nên hệ sinh thái đa dạng và lý tưởng cho cá phát triển. Cung cấp nơi ẩn náu, đẻ trứng sinh sản và hỗ trợ đáng kể công việc lọc nước, tạo điều kiện cho vi sinh có lợi phát triển.
Khi chọn cây thủy sinh trang trí bể cá không nên dùng những loại cây phát triển nhanh vì sẽ mất nhiều công chăm sóc và ảnh hưởng đến cảnh quan thẩm mỹ của cả bể.
Hệ thống lọc phù hợp cho bể cá mini để bàn
Hệ thống lọc nên được lựa chọn kỹ lưỡng, dựa trên kích thước bể và loài cá bạn nuôi trong bể. Đối với bể cá mini để bàn có kích thước dưới 30cm, loại lọc được nhiều người chơi sử dụng nhất có thể kể đến là lọc thác mini: Sobo WP – 618H, Sobo WP – 518H, JENECA XP – 03…
Hay nếu bể mini của bạn được dùng để nuô tép thì nên chọn lọc vi sinh để tạo môi trường sống tốt nhất.
Chọn loại cá phù hợp
Với một chiếc bể cá mini thì người chơi nên dựa vào kích thước và sở thích hoặc đặc điểm từng loài cá để có thể chọn ra dòng cá phù hợp. Các dòng cá có kích thước bé như cá Betta, bảy màu Guppy, các dòng thủy sinh bé là sự lựa chọn hấp dẫn.
Số lượng cá trong bể tối đa nên là 1con cá/1 lít nước. Có nghĩa là nếu bể cá của bạn có kích thước 10 lít nước thì số lượng cá nên nuôi tối đa là 10 con. Nếu bể cá không được trang bị thiết bị lọc nước thì số lượng cá nên hạn chế hơn.
Một số gợi ý thích hợp cho bể cá mini có thể kể đến: Cá Betta (1 con), cá bảy màu, cá Neon, sọc ngựa cánh tiên, cá vàng mini, thần tiên mini…
Chăm sóc bể cá mini để bàn
Để chăm sóc và duy trì cảnh quan cho một bể cá mini, người chơi cần lưu ý các bước sau:
- Thay nước: Thay nước cho bể cá định kỳ để giữ nước sạch và loại bỏ chất thải tích tụ. Tần suất thay nước phụ thuộc vào kích thước bể, số lượng cá, và mức độ ô nhiễm nước. Một tần suất thường được khuyến nghị là thay khoảng 10-20% dung tích bể mỗi tuần. Tuy nhiên, nếu bạn có một hệ thống lọc hiệu quả và môi trường nước ổn định, tần suất có thể giảm xuống 20-30% mỗi tháng.
- Loại bỏ chất thải: Trước khi thay nước, hãy sử dụng công cụ hỗ trợ chuyên dụng như ống hút cặn hay bơm tay thay nước để hút chất thải và tảo tích tụ trên đáy bể. Điều này giúp giữ nước sạch và giảm thiểu rêu tảo hại phát triển.
- Bảo dưỡng định kỳ hệ thống lọc: Hệ thống lọc trong bể cá đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước sạch. Vệ sinh và kiểm tra hệ thống lọc định kỳ để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Rửa bông lọc và thay than hoạt tính, các loại vật liệu lọc (nếu có) theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Cho cá ăn: Cung cấp thức ăn phù hợp và đúng lượng cho cá. Quá mức cho ăn có thể dẫn đến tăng lượng chất thải trong bể và gây ô nhiễm nước. Hãy tìm hiểu về khẩu phần ăn phù hợp cho từng loài cá và cung cấp đủ thức ăn mà cá có thể tiêu thụ trong khoảng 2-3 phút.
- Kiểm tra chất lượng nước: Định kỳ kiểm tra chất lượng nước bằng bộ kiểm tra nước hoặc đưa mẫu nước đến cửa hàng chuyên dụng. Kiểm tra mức pH, ammonia, nitrite, nitrate và nồng độ oxy để đảm bảo rằng chất lượng nước trong bể là ổn định và phù hợp cho cá.
- Quản lý ánh sáng: Kiểm soát thời gian chiếu sáng trong bể cá thủy sinh. Ánh sáng quá mức có thể làm tăng tảo phát triển và ô nhiễm nước cũng như phá vỡ cảnh quan trong bể. Sử dụng đèn LED chuyên dụng và đặt thời gian chiếu sáng hợp lý để đảm bảo rằng cá và cây cảnh nhận được đủ ánh sáng. Thời gian chiếu sáng phù hợp cho bể cá thủy sinh là 8-10 tiếng một ngày, người chơi nên tắt thiết bị chiếu sáng vào ban đêm cho cá ngủ và cây cối trong bể phát triển bình thường.
Thông tin: Shop bể cá mini để bàn
- Fanpage: GUPPY & BETTA CITY – Shop cá bảy màu betta Hà Nội
- Website: https://cabaymau.net – https://cabetta.net – https://becaminideban.net
- Tiktok: GUPPY & BETTA CITY Tiktok
- Shopee: https://shopee.vn/shop/729072/
- Hotline: 0966.386.480
- Địa chỉ shop: Số 56 Ngõ 52 Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, HN